Trẻ ở giai đoạn mầm non
còn rất bé bỏng với những thứ đã, đang và sẽ diễn ra ở bên ngoài sự bao bọc của
ba, mẹ. Một trong những điều quen thuộc đối với con trong cuộc sống hằng ngày
là lời khen ngợi. Nhưng ba, mẹ có biết, việc khen con như thế nào rất quan trọng
và có ảnh hưởng lớn đối với quá trình phát triển về tâm sinh lý cũng như tính
cách của con sau này không?
Lời khen với tâm lý của
một đứa trẻ, nó giống như lời động viên, tác động đến sự cảm thông, đồng cảm
giúp con trưởng thành, mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, lời khen của ba, mẹ cũng cần phải
sử dụng đúng cách và hợp lý với từng hoàn cảnh vì đôi khi nó cũng đem lại tác dụng
“ngược” và dễ dàng dẫn đến một kết quả không mấy tốt đẹp. Ví dụ như, lời khen
không đúng lúc đúng hành động sẽ khiến con trở nên tự phụ, tự kiêu, ảnh hưởng đến
sự hoàn thiện về nhân cách, thành công của con sau này.
Vậy phải dùng lời khen
như thế nào cho đúng và tận dụng được lời khen đem đến những tác động tích cực
với con? Yellow Kitty sẽ giúp ba, mẹ tìm hiểu về 3 cách khen ngợi con phù hợp
nhất được các chuyên gia tâm lý học nghiên cứu và khuyên dùng.
Khen
ngợi sự nỗ lực của con
Theo một số nghiên cứu
tại đại học Stanford, Mỹ, các chuyên gia cho rằng: cách khen ngợi của ba, mẹ có
rất nhiều ảnh hưởng đến tư duy của trẻ. Trong trường hợp đứa bé có tư duy bảo
thủ, chúng sẽ nghĩ rằng những thứ như trí thông minh, khả năng sáng tạo là bẩm
sinh có được, sinh ra đã thuộc về chúng. Nên chúng không chịu nỗ lực làm việc,
học tập… Từ đó, dẫn đến sự kiêu căng, tự cao, tự đại. Ngược lại, với những đứa
trẻ có tư duy cầu tiến, chúng lại tự suy luận rằng phải nỗ lực để có được sự
thông minh, khả năng sáng tạo lớn hơn nữa. Và cứ thế, chúng phát triển mạnh mẽ,
bền bỉ và sở hữu những thành công vĩ đại.
Nên
dành lời khen chính xác với thành tích thực
Ba, mẹ thường dễ bị nhầm lẫn giữa lời khen với
động viên, an ủi. Đôi khi lời khen dành cho trẻ không hẳn vì chúng làm tốt, đạt
được kết quả đáng mong đợi… mà chỉ vì sợ chúng buồn nên dành lời khen để động
viên. Nhưng thực chất, lời khen ấy gần như ảnh hưởng xấu đến sự trưởng thành của
trẻ. Hơn thế, nó có thể còn gây tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ nữa.
Một số nghiên cứu đưa
ra thông tin về việc, chỉ có những đứa trẻ dưới 7 tuổi mới dễ chấp nhận lời
khen mang tính “bề nổi”, động viên của người lớn. Đa số những đứa trẻ lớn hơn 7
tuổi thì sẽ nghi ngờ lời khen “giả tạo” ấy và bày tỏ thái độ không thích thú. Hậu
quả của việc khen không chính xác với thành tích thực dễ khiến đứa trẻ chấp nhận
nó cứ mãi chìm đắm trong lời khen ngợi và có nguy cơ bị tụt lại phía sau vì
không muốn nỗ lực thêm nữa. Bởi vậy, phụ huynh hãy lưu ý để trao cho trẻ lời
khen chính xác với thành tích chúng đạt được. Nếu trường hợp chúng chưa đạt được
và cảm thấy buồn vì kết quả đó, hãy dành cho con lời khuyên, sự động viên chân
thành nhằm cổ vũ để con lấy lại tinh thần và hoàn thành nó tốt hơn thay vì khen
chúng.
Hãy hạn chế khen ngợi trẻ
Các chuyên gia đã đưa
ra nhận định rằng: khen ngợi đồng thời tạo ra sự mất động lực. Thay vì sử dụng
lời khen theo tính chất thường xuyên với những việc nhỏ nhặt như, thấy con tự
mình đi giày được, tự xúc cơm ăn, tự rửa tay, thay quần áo… Ba, mẹ có thể thay
thế những lời khen theo hướng đánh giá bằng cách nhận xét:
Con đã tự mình đi giày
được rồi!
Con đã tự mặc quần áo
và đánh răng được rồi…
Ý nghĩa của việc cắt giảm
lời khen chính là áp dụng lời khen đúng cách, hợp lý, khoa học hơn. Sử dụng lời
khen mang tính chất nhận xét sau khi con hoàn thành tốt công việc sẽ tránh được
khả năng “nịnh bợ”, đưa con vào suy nghĩ “ảo tưởng”… Đồng thời sẽ giúp con nỗ
lực nhiều hơn để phát triển và thành công.
Sử dụng lời khen ngợi
không khó nhưng cần sự quan sát kỹ càng và tinh ý trong những hoàn cảnh, trường
hợp khác nhau. Mọi vấn đề đều tồn tại sự hai mặt, biết cách khai thác nó sẽ tận
dụng được những khía cạnh tích cực. Hãy dành cho con sự dạy dỗ khoa học để phát
triển lành mạnh và khỏe khoắn trong tương lai.