• Uncategorized
  • HỆ LỤY NGUY HIỂM TỪ BỆNH THÀNH TÍCH CỦA BA MẸ

HỆ LỤY NGUY HIỂM TỪ BỆNH THÀNH TÍCH CỦA BA MẸ

 

Ngày nay, giáo dục là một trong những yếu tố được các bậc cha mẹ quan tâm hàng đầu, cũng như đặt hết công sức, tiền bạc và hy vọng vào kết quả, thành tích mà con đạt được. Đây có lẽ là một tín hiệu đáng mừng cho thế hệ trẻ bởi giờ đây, chúng dường như luôn có hậu thuẫn vững chắc từ ba mẹ mình, có thể lĩnh hội kiến thức để nắm bắt nhiều cơ hội tốt trong tương lai. 

Tuy nhiên, sự kỳ vọng nếu không đặt đúng chỗ, đúng thời điểm và biết khi nào là vừa đủ thì nó sẽ vô hình trở thành áp lực học tập cho trẻ. Bên cạnh những nỗ lực ngày đêm đèn sách, chúng cũng cần được lắng nghe, được thấu hiểu, có rất nhiều gia đình có ba mẹ chỉ tập trung vào thành tích mà quên đi cảm nhận của con mình, rằng chúng có bao giờ mệt mỏi, có bao giờ cần được nghỉ ngơi hay cảm thấy áp lực không. Chính vì thế, bài viết dưới đây sẽ chỉ ra nguyên nhân cũng như những hệ lụy nguy hiểm từ bệnh thành tích của cha mẹ, hãy cùng Con mèo vàng khám phá nhé!

  1. Nguyên nhân gây ra bệnh thành tích của bố mẹ

 1.1 “Con người ta”

“Con người ta”

Cha mẹ nào cũng muốn con mình trở nên thật xuất chúng, phải hơn bạn bè chỉ để thoả mãn cái gọi là “bộ mặt gia đình”. Nhưng không một ai chịu nhìn lại, có một mâu thuẫn mà 100% các bậc cha mẹ đều mắc phải chính là không bao giờ hài lòng với những gì con mình đã đạt được, thứ khiến cha mẹ hài lòng chính là thành tích của “con người ta”. Từ cái bóng vô hình đó, những đứa trẻ sống trong sự áp đặt đó luôn phải chạy theo kỳ vọng của ba mẹ mình dẫu biết “không bao giờ là đủ”

1.2 “Muốn con có tương lai tốt hơn” 

“Muốn con có tương lai tốt hơn”

Mỗi gia đình sẽ luôn có những định hướng khác nhau cho những đứa con của mình, cha mẹ luôn dùng suy nghĩ “Muốn con có tương lai thật tốt” để “buộc” những đứa trẻ không được “vẫy vùng” trong tuổi trẻ của mình, thay vào đó là cắm mặt vào điểm số, thứ hạng, hay những đêm ôn thi miệt mài, những lần bỏ lỡ cuộc vui với bạn bè,… 

Đây có lẽ là nỗi lòng chung của tất cả các bậc cha mẹ, thật khó để phân định đúng sai khi nhìn thực tế thì đây hoàn toàn là sự mong cầu chính đáng của họ dành cho con mình. Tuy nhiên, nếu cha mẹ có thể linh hoạt được giữa việc ở phía sau hỗ trợ khi con mất phương hướng và để con được tự do lựa chọn tương lai của mình, khi ấy mọi chuyện sẽ trở nên “dễ thở” hơn bao giờ hết, những đứa con sẽ không mang trong mình những uất ức, ngược lại chúng còn được sống là chính mình, làm những điều mình muốn mà vẫn đảm bảo con sống có trách nhiệm với lựa chọn cho tương lai của mình.

  1. Hệ luỵ từ bệnh thành tích của cha mẹ

2.1 Khoảng cách cha mẹ – con cái ngày càng lớn

Những đứa trẻ khi chúng cảm nhận được gia đình không còn là nơi an toàn để bộc bạch những suy nghĩ, cảm xúc của mình thì chúng sẽ tự khắc quay ngược vào trong và giữ lấy cho riêng mình. Sẽ rất khó để cha mẹ có thể bước vào thế giới nội tâm của chúng, dẫu trước đó chúng đã từng rất khát khao có được sự lắng nghe và thấu hiểu từ ba mẹ mình. Chúng sẽ trở nên ít nói, lầm lì và dần không còn chia sẻ những câu chuyện của chính mình, đặc biệt sẽ không còn giải thích sau mỗi lần ba mẹ chỉ trích vì thành tích không như mong đợi nữa. Điều này dẫn đến khoảng cách giữa cha mẹ – con cái sẽ ngày càng xa cách. 

2.2 Sức khoẻ tâm lý trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Vấn đề này tuy không còn mới nhưng có thể thấy, trong những năm gần đây, số lượng thanh thiếu niên tự tử vì áp lực từ gia đình, học tập ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Nếu như trước kia sự việc này chỉ xảy ra ở các nước có sự cạnh tranh tri thức khốc liệt như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc thì giờ đây, nó đã thật sự xảy ra tại Việt Nam. 

Tâm lý giới trẻ ngày nay được người lớn cho là yếu đuối khi lựa chọn tự tử để trốn tránh những áp lực đang đè nặng lên mình. Thế nhưng khi chúng ta chững lại và nhìn nhận một cách tổng quát thì những đứa trẻ đều chọn ra đi vì cùng một lý do, thì đây chính là lúc mà các bậc cha mẹ nên suy xét lại chính mình, rằng mình đã thật sự hiểu con chưa ? Rằng mình đã từng ngồi lại bình tĩnh nghe con nói về những khó khăn của con chưa ? Rằng mình đã thật sự để tâm đến sức khỏe tinh thần của con chưa? 

Hãy luôn hiểu rằng chúng ta đều đã từ những đứa trẻ mà lớn lên và trở thành cha mẹ, không một ai mong muốn mình phải sống trong áp lực mỗi ngày, mỗi giờ cả. Cha mẹ quan tâm đến việc giáo dục của con cái là điều đáng mừng cho sự phát triển của xã hội sau này nhưng hãy để chúng được nỗ lực và phát triển một cách bình thường nhất, thoải mái nhất, hãy luôn tạo một nơi gọi là “Nhà” để chúng muốn quay về sau những trang sách, bài giảng đầy căng thẳng ngoài kia. 

“Những đứa trẻ sẽ luôn hạnh phúc nếu trong hành trình trưởng thành, chúng không phải dùng nhiều đêm để khóc một mình”


Bài viết liên quan

PHỤ HUYNH ĐĂNG KÝ THAM QUAN

Quý phụ huynh vui lòng điền các thông tin dưới đây, bộ phận tư vấn của Nhà Trường sẽ chủ động liên hệ với Quý phụ huynh trong thời gian sớm nhất.

    0938 500 980