Chảy máu cam là tình trạng phổ biến rất hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là những trẻ có độ tuổi từ 2-10 tuổi. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết xử lý đúng cách khi trẻ em bị chảy máu cam. Để giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn và có cách khắc phục tình trạng chảy máu cam ở trẻ hiệu quả, trước hết cần phải nằm lòng các nguyên nhân chảy máu cam ở trẻ là gì? Nếu con gặp tình trạng này, cha mẹ cần phải làm gì để sơ cứu? Để giải đáp những thắc mắc này, hãy cùng Trường mầm non Con Mèo Vàng theo dõi những chia sẻ hữu ích dưới đây nhé.
1. Hiện tượng chảy máu cam ở trẻ em
Chảy máu cam là gì?
Chảy máu cam (hay còn gọi là chảy máu mũi) là hiện tượng chảy máu do các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ. Đây là tình trạng này thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi từ 2 đến 10 tuổi. Chảy máu cam thường được chia thành 2 nhóm: chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau.
- Chảy máu mũi trước (90% trường hợp): Máu chủ yếu chảy ra ở vùng phía trước mũi, khu vực này chứa nhiều mạch máu nhỏ rất dễ vỡ khi xì mũi hay khi có chấn thương cục bộ. Thường chảy máu một bên và có thể kiểm soát bằng các biện pháp sơ cứu tại nhà hoặc đến cơ sở y tế.
- Chảy máu mũi sau (10% trường hợp): Thường chảy máu cả hai bên, máu chảy ra phía sau và đi xuống cuống họng do tổn thương các mạch máu ở cao hơn và sâu hơn của mũi. Tuy không phổ biến ở trẻ em nhưng hiện tượng này rất nguy hiểm và khó kiểm soát, được khuyến cáo nhập viện để điều trị y tế.
Nguyên nhân khiến trẻ em bị chảy máu cam
Chảy máu cam có thể do nguyên nhân vật lý (lành tính và thường gặp) hoặc nguyên nhân bệnh lý (nguy hiểm và hiếm gặp). Cha mẹ cần xác định nguyên nhân trẻ bị chảy máu cam mình để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
Nguyên nhân vật lý
- Thời tiết hanh khô, nằm điều hòa, máy sưởi trong thời gian dài.
- Trẻ ngoáy mũi quá sâu, day mũi hoặc chà xát nhiều lần.
- Trẻ xì mũi, hắt hơi quá mạnh
- Trẻ gãi, cào và đưa dị vật vào trong mũi
- Trẻ vô tình va chạm mạnh vào mũi trong khi vui chơi
- Trẻ rặn mạnh khi đi đại tiện, bị táo bón
- Do dị ứng hoặc thuốc dị ứng có thể làm khô mũi, gây chảy máu
- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống viêm, thuốc xịt gây tác dụng phụ
- Thở oxy qua ống thông mũi
- Do sử dụng cocaine, aspirin hay các chất kích thích hóa học như amoniac.
Nguyên nhân bệnh lý
- Dị ứng, nhiễm trùng ở mũi, họng và xoang.
- Trẻ mắc các bệnh liên quan về máu như xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu (suy tuỷ xương, lơ xê mi cấp,…).
- Do có khối u hốc mũi: thường kèm theo triệu chứng chảy dịch mũi hôi, nghẹt mũi, thay đổi khứu giác (U vách ngăn, u xơ vòm mũi họng,…)
- Gãy xương mũi hay vỡ nền sọ do chấn thương.
- Dị tật kết cấu mũi, vách ngăn mũi bị vẹo.
- Và một số nguyên nhân khác ít gặp hơn như: Di truyền xuất huyết telangiectasia, Bệnh bạch cầu, Polyp mũi, Phẫu thuật mũi,…
2. Cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam
Các bước sơ cứu:
Khi phát hiện trẻ bị chảy máu cam, cha mẹ cần bình tĩnh sơ cứu tại nhà cho con theo những hướng dẫn sau:
Bước 1: Giữ bình tĩnh cho trẻ, tránh trường hợp bé hoảng loạn, máu sẽ chảy ra nhiều hơn. Đồng thời yêu cầu trẻ xì mũi nhẹ nhàng để loại bỏ các cục máu đông bên trong mũi. Điều này có thể khiến tăng lượng máu chảy một lúc nhưng sau đó mọi việc sẽ ổn. Bạn có thể bỏ qua giai đoạn này nếu trẻ quá nhỏ.
Bước 2: Đặt trẻ ngồi thẳng, đầu và cổ hơi cúi về trước, đừng ngả đầu ra sau.
Bước 3: Dùng ngón tay bóp nhẹ cánh mũi 2 bên, sát ngay dưới phần xương cứng của mũi và giữ nguyên 5 đến 10 phút để máu ngừng chảy. Đừng thả tay quá thường xuyên để xem máu ngừng chảy chưa, điều này có thể khiến máu tiếp tục chảy. Trong thời gian này, bạn có thể giúp bé bình tĩnh hơn và nằm yên bằng cách hát, kể chuyện cho bé nghe, cho bé xem phim hoạt hình,… (tùy vào độ tuổi của bé).
Dùng hai ngón tay bóp nhẹ cánh mũi để ngăn máu chảy
Sau đó, bạn thử kiểm tra xem bé còn chảy máu nữa không. Nếu máu đã ngừng chảy thì cho bé nằm nghỉ (nên nằm nghiêng một bên). Tuyệt đối không cho bé nuốt máu vì có thể khiến bé bị sặc, khó chịu, nôn mửa, thậm chí là ngộ độc. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy, lặp lại những bước như trên và cho bé đi viện ngay nếu thời gian đè mũi trên 20 phút mà vẫn chưa cầm máu.
Những sai lầm khi sơ cứu trẻ bị chảy máu cam
Rất nhiều phụ huynh do thiếu hiểu biết về cách sơ cứu, thường áp dụng những biện pháp cầm máu dân gian truyền lại, có thể làm cho tình trạng chảy máu của trẻ trở nên tệ hơn.
Cho bé nằm ngửa đầu ra đằng sau
Đây sai lầm phổ biến và cự kỳ tai hại mà nhiều người mắc phải. Điều này làm cho máu chảy ngược xuống cổ họng, làm bé bị ngạt và có thể gây sặc máu. Tệ hơn nữa, nếu bé nuốt lại phần máu cam đó, sẽ gây ra các triệu chứng buồn nôn, ói mửa.
Cầm máu bằng bông, gạc, giấy
Khi thấy trẻ em bị chảy máu cam thì ba mẹ sẽ theo quán tính cầm máu cho con bằng cách lấy bông, gạc, giấy thấm nhét vào mũi. Tuy nhiên, tất cả những vật liệu thông thường đều không đảm bảo vô khuẩn, nếu không sạch có thể gây ra nhiễm trùng.
Chăm sóc trẻ sau khi bị chảy máu cam
- Sau khi chảy máu cam, vùng niêm mạc mũi của trẻ có thể trở nên vô cùng mẫn cảm với những tác động bên ngoài và thời tiết. Vì vậy ba mẹ cần chú ý thực hiện những hướng dẫn sau đây:
- Cho trẻ nghỉ ngơi ít nhất trong vòng 2 giờ.
- Không cho trẻ ăn uống đồ nóng hay tắm nước nóng trong vòng ít nhất 24 giờ.
- Không cho trẻ ngoáy mũi hay xì mũi trong vòng 24 giờ.
- Tránh các hoạt động mạnh hay các môn thể dục như chạy, tránh nhấc vật nặng trong vòng 1 tuần.
3. Trẻ em bị chảy máu cam có nguy hiểm không? Khi nào thì nên đưa trẻ đến bác sĩ?
Nhìn chung, chảy máu mũi ở trẻ em đa số là lành tính, ít nghiêm trọng và là một triệu chứng rất phổ biến, nguyên nhân hay gặp nhất là do không khí khô và ngoáy mũi. Bạn cũng có thể nhận thấy những vệt máu khô trên mũi của bé vào buổi sáng (do trẻ bị chảy máu cam khi ngủ). Nếu bạn nắm rõ cách xử lý và chăm sóc đúng cách thì hầu hết tình trạng chảy máu cam ở trẻ sẽ tự hết.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện sơ cứu tại nhà, phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ và nếu thấy những biểu hiện bất thường sau đây, cần cho con nhập viện để được bác sĩ tai – mũi – họng khám và điều trị kịp thời:
- Trẻ thường xuyên bị chảy máu cam, tình trạng này lặp đi lặp lại không rõ nguyên nhân
- Không cầm máu được ngay cả khi bạn đã xử lý đúng cách
- Trẻ chảy máu cam, đồng thời xuất hiện cả máu trong nước tiểu, phân
- Trẻ chảy máu cam và xuất hiện những vết bầm tím không rõ nguyên nhân hoặc triệu chứng nặng hơn như đau ngực
- Trẻ tái xanh, nhợt nhạt, đổ mồ hôi nhiều, chán ăn, hay nhức mỏi, nổi hạch,…
- Trẻ có bệnh toàn thân khác ảnh hưởng tới đông máu như bệnh gan, bệnh thận, bệnh hemophilia
- Tim trẻ đập nhanh, khó thở hay nôn ra máu.
4. Biện pháp phòng ngừa chảy máu cam ở trẻ
Ngoài việc trang bị những kiến thức về cách sơ cứu, câu hỏi được rất nhiều phụ huynh quan tâm là những biện pháp nào để phòng ngừa trẻ em bị chảy máu cam?
- Giữ cho niêm mạc mũi được ẩm: Có thể bôi kem vaseline vào phần trước của vách ngăn mũi hoặc sử dụng nước muối sinh lý sạng sịt (tuy nhiên không được lạm dụng)
- Cho trẻ uống đủ nước.
- Tránh va chạm mạnh và không để trẻ ngoáy mũi.
- Giữ ẩm môi trường không khí (dùng máy phun sương, hạn chế dùng điều hoà,…)
- Vệ sinh mũi cho trẻ hằng ngày.
- Quan sát số lần trẻ bị chảy máu cam và đưa trẻ khám sức khỏe định kỳ.
- Bên cạnh đó việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học và bổ sung những chất còn thiếu có thể giúp ngăn ngừa tình trạng chảy máu cam ở trẻ.
Trẻ em bị chảy máu cam nên ăn gì?
- Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C làm giảm ảnh hưởng các tác động mạnh lên mạch máu, hạn chế chúng bị vỡ. Các thức ăn giàu vitamin C có thể kể đến như ổi, cam, quýt, bưởi, dâu tây, việt quất,… Liều lượng vitamin C cho bé khoảng 75 – 90mg/ 1 ngày.
- Thực phẩm giàu vitamin K
Vitamin này sẽ đảm bảo cho việc máu đông lại bình thường, chúng thường có nhiều trong các loại rau cải, súp lơ, húng quế,…
- Thực phẩm giàu Kali:
Thiếu Kali khiến cơ thể trẻ bị mất nước, gây khô niêm mạc mũi, bong tróc và chảy máu. Do đó, hãy cho bé ăn nhiều thực phẩm giàu Kali như bơ, chuối, cà chua, cá, nghêu, sữa chua, cà rốt,…
- Thực phẩm giàu Sắt:
Thiếu sắt không những dẫn đến chảy máu cam còn tăng nguy cơ thiếu máu. Chế độ ăn uống phòng chảy máu cam không thể thiếu các thực phẩm giàu sắt như: thịt bò, thịt dê, hải sản, các loại hạt,…
Ngoài ra, các mẹ cũng có thể quan tâm đến các món ăn dân gian lành tính và dễ làm, giúp phòng ngừa chảy máu cam như: chè đỗ đen, canh rau má tôm nõn, nước rễ cỏ tranh, nước củ cải trắng, canh mướp thịt nạc,…
Trẻ bị chảy máu cam nên tránh ăn gì?
Cha mẹ cần chú ý tránh để con sử dụng những loại thực phẩm chiên xào dầu mỡ, gia vị cay nóng (ớt, mù tạt, tiêu…), các loại trái cây có tính nhiệt như mít, xoài, nhãn. Bên cạnh đó hạn chế cho bé sử dụng các loại nước có gas, cà phê,…
Với nội dung chia sẻ trên đây, hy vọng các bậc cha mẹ đã nắm được nguyên nhân và cách chăm sóc khi trẻ em bị chảy máu cam; đồng thời có những biện pháp phòng ngừa và chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp con bạn tránh bị chảy máu cam, đặc biệt là trong thời tiết hanh khô như hiện nay. Nếu cha mẹ đang muốn trang bị những kiến thức cần thiết cho con, hãy tham khảo phương pháp giáo dục kĩ năng sống tại Trường mầm non song ngữ Con Mèo Vàng nhé!