3 BỆNH SĨ DIỆN BA MẸ CẦN TRÁNH ĐỂ BẢO VỆ CON
Việc giáo dục con có đạo đức tốt là điều mà cha mẹ nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi dạy, cha mẹ lại quên mất đôi khi những điều mình cho là tốt lại cướp đi sự thoải mái và tự nhiên của con mình. Hãy cùng Con Mèo Vàng tham khảo bài viết dưới đây để tránh những phép lịch sự không đáng có nhé.
1. Bắt con chào hỏi người lạ
Rất nhiều phụ huynh luôn ép buộc con mình phải chào hỏi người lớn dù chúng không quen, việc trẻ có phản ứng không chào hỏi là điều hết sức bình thường, do trẻ cảm thấy người đối diện không quá thân thiết, đang có những suy nghĩ riêng hay thậm chí là đang không tập trung. Bố mẹ chớ vội đánh giá đạo đức của con không tốt, thay vào đó nên cho con cơ hội phát triển tự nhiên và bình thường nhất. Việc phàn nàn, nhắc nhở trẻ giữa đám đông cũng có thể khiến chúng trở nên xấu hổ, thụ động, thu mình, ngại giao tiếp, thậm chí về lâu dài có thể “sợ xã hội”.
2. Buộc con phải nhường nhịn trẻ bé hơn
Câu nói “Con là anh/chị lớn, con phải nhường em chứ” được cho là câu cửa miệng của những người lớn. Khi những đứa trẻ xảy ra mâu thuẫn, người lớn thường bắt trẻ lớn phải nhường nhịn đứa trẻ bé hơn. Dù không cần biết đứa trẻ bé hơn đúng hay sai, điều này gây ra tổn thương tâm lý rất lâu dài cho đứa trẻ lớn hơn, chúng sẽ luôn cảm thấy uất ức, không phục và cho rằng sự thiên vị này là lý do khiến chúng không muốn gần gũi hay thân thiết với em của mình.
Thay vào đó, cha mẹ nên đối xử công bằng với con, phải phân biệt đúng sai thay vì luôn bắt con phải nhún nhường.
3. Buộc con nghe lời mọi lúc mọi nơi
Tâm lý chung của các bậc phụ huynh là luôn muốn con cái nghe lời mình ở mọi lúc, mọi nơi nhằm giữ thể diện với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, không ai biết điều này sẽ gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến tương lai sau này của con trẻ. Việc luôn đòi hỏi sự vâng lời từ đứa trẻ sẽ lấy đi tiếng nói nội tâm của chúng, dần dần khiến trẻ mất khả năng quyết định, bảo vệ bản thân và dễ bị lợi dụng.
Hãy luôn tôn trọng và lắng nghe con, tôn trọng suy nghĩ bên trong của trẻ, để trẻ trút bỏ cảm xúc và sự bất mãn. Thay vào đó, khuyến khích con mạnh dạn bày tỏ ý muốn của bản thân và hãy là con người thật của mình. Những đứa trẻ dám bày tỏ nhu cầu thực sự của mình mới có thể tự tin và hạnh phúc hơn.